RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
(Attention Deficit Hyperactivity Disorder)
Rối loạn tăng động giảm chú ý (tên viết tắt trong tiếng Anh là ADHD) là bệnh lý thường gặp chiếm tỉ lệ 3-6% ở trẻ em. Rối loạn này thường khởi phát sớm và kéo dài với các biểu hiện như: hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém khả năng tập trung chú ý gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và trong các mối quan hệ xã hội.
Mô tả đặc điểm lâm sàng:
– Sự hoạt động thái quá : Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy leo trèo, không ngồi yên một chỗ, thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác…
– Sự tập trung chú ý kém : khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày và ngay trong lúc vui chơi. Trẻ thường không lắng nghe khi người khác nói chuyện trực tiếp hoặc đưa ra câu trả lời trước khi nghe hết câu hỏi; không thể hoàn thành bài tập ở trường và ở nhà; dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh; hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.
Trẻ mắc chứng ADHD thường gặp rắc rối trong quan hệ với anh chị em trong gia đình và với cả những trẻ khác ở trường, hàng xóm, hay ở những nơi sinh hoạt công cộng. Những trẻ có vấn đề về khả năng tập trung chú ý thường đi liền với việc gặp khó khăn trong học tập. Sự thôi thúc, hấp tấp không cưỡng lại được (một đặc trưng của chứng ADHD) có thể làm chúng gặp những rắc rối, hay nguy hiểm cho bản thân. Bởi những đứa trẻ mắc chứng ADHD gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi bản thân nên dưới con mắt mọi người chúng thường bị cho là “những đứa trẻ hư” hay “những đứa trẻ xấu”.
Chúng ta phải lưu ý rằng ADHD không chỉ là hội chứng ảnh hưởng trực tiếp tới những trẻ mắc phải, mà cả những người sống xung quanh chúng. Nếu không can thiệp kịp thời ngay khi phát hiện ra thì những triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ phát triển và sẽ dẫn đến những vấn đề trầm trọng khác, ảnh hưởng tới cả cuộc đời của trẻ, như kết quả học tập yếu kém ở trường, gặp rắc rối với pháp luật, thất bại trong quan hệ, tương tác xã hội, và mất khả năng duy trì một công việc.
– Phối hợp, kiểm soát động tác kém: Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì, thường hay gây ồn ào, làm phiền người khác quá mức.
– Những rối loạn hành vi khác đi kèm theo như: rối loạn giấc ngủ (thường là trẻ rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu…
– Các rối loạn này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trẻ và môi trường xung quanh tác động đến trẻ. Các rối loạn nêu trên xảy ra ở mọi nơi (ở nhà, trường học, bệnh viện, nơi công cộng…),trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả các mối quan hệ trong khoảng thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng.
ADHD thường xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của trẻ (thông thường là trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời). Mức độ thay đổi theo từng cá nhân, nhưng có khuynh hướng giảm dần (ít nhất là trên vấn đề vận động) vào tuổi thiếu niên. Trong thực tế thì trẻ thường khó thích nghi được với môi trường trường học. Những trẻ em tăng động thường hay có hành động dại dột, thiếu kiểm soát và hay để xảy ra tai nạn. Bản thân trẻ thường hay vi phạm kỷ luật do thiếu tôn trọng các quy tắc trong gia đình và trong trường học. Sự vi phạm kỷ luật này thường là do trẻ chóng quên và hành dộng thiếu suy nghĩ hơn là cố tình chống đối. Trong mối quan hệ xã hội, trẻ thường hay thiếu kiềm chế, không thận trọng, thường hay làm phiền nên không được trẻ em khác thừa nhận và dễ bị cô lập. Những thiếu sót về chức năng nhận thức – vận động dẫn đến rối loạn phát triển ngôn ngữ, suy giảm khả năng học tập, rối loạn hành vi chống đối xã hội.
Nguyên nhân của bệnh ADHD:
ADHD là một trong những chứng bệnh mắc phải từ thời thơ ấu được nghiên cứu nhiều nhất. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn chưa xác định rõ ràng được nguyên nhân.
Những nghiên cứu mới đây mới chỉ đưa ra rằng:
ADHD là một loại rối loạn chức năng về mặt sinh học. Trẻ mắc phải có những vấn đề liên quan đến các chất hoá học làm nhiệm vụ gửi những tín hiệu đến não.
Trình độ hoạt động thấp hơn trong các phần của não điều khiển khả năng chú ý và mức độ hoạt động có thể liên quan đến ADHD.
ADHD có thể xuất hiện ở cùng các thành viên trong gia đình. Đôi khi cha mẹ được chẩn đoán mắc ADHD, đồng thời con cái họ cũng mắc chứng này.
Biểu hiện hành vi của trẻ, được thu thập từ những nguồn khác nhau, so sánh biểu hiện đó với biểu hiện của những đứa trẻ khác cùng độ tuổi.
Để khẳng định việc chẩn đoán ADHD, những biểu hiện hành vi của trẻ phải:
Xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau như ở nhà, ở trường và các khung cảnh, môi trường xã hội khác nhau ở mức độ nghiêm trọng hơn những hành vi của những trẻ khác.
Bắt đầu trước khi trẻ 7 tuổi. Kéo dài hơn 6 tháng
Khiến cho trẻ khó khăn trong học tập, hoạt động ở trường, nhà hay ở các môi trường xã hội khác.
Bên cạnh việc chẩn đoán dựa trên những biểu hiện hành vi của trẻ, Bác sĩ còn thực hiện khám sức khỏe cho trẻ. Tiền sử bệnh án đầy đủ chi tiết sẽ giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn và việc chẩn đoán các hành vi của trẻ trở nên có căn cứ, rõ ràng; bác sĩ sẽ dễ dàng phân biệt biểu hiện thực của hội chứng với những điều kiện khách quan khác ảnh hưởng tới hành vi của trẻ. Bác sĩ cũng sẽ trò chuyện với trẻ để tìm hiểu những cảm nhận, hành vi của trẻ.
Vai trò của cha mẹ trong việc chẩn đoán
Cha mẹ có thể cung cấp những thông tin hết sức quan trọng và cần thiết về những hành vi của trẻ ở nhà, ở trường hay ở những môi trường xã hội khác; những hành vi này có ảnh hưởng tới kết quả học tập và việc kết bạn của trẻ không. Bác sĩ sẽ rất cần biết con bạn có những triệu chứng gì, những triệu chứng đó đã xẩy ra và kéo dài trong bao lâu, những hành vi của trẻ ảnh hưởng tới cuộc sống trẻ và cuộc sống gia đình bạn như thế nào. Cha mẹ có thể được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi liệt kê những mục cần kiểm tra, những thông tin về trẻ, thang đáng giá mức độ hành vi của trẻ để giúp bác sĩ chẩn đoán.
Bên cạnh đó, chia sẻ với bác sĩ những thông tin về lịch sử gia đình (ví dụ cha mẹ, các con có những biểu hiện đó không, quan hệ mọi người trong gia đình, …) cũng giúp cho bác sĩ hiểu thêm về của con bạn.
Những câu hỏi từ Bác sĩ có thể mang lại cho bạn những thông tin chính xác như
– Trẻ học tập, vui chơi thế nào ở trường? Trẻ có những vấn đề gì trong học tập, tiếp thu bài mà bạn hay cô giáo nhận biết được hay không? Con bạn có vui vẻ, hạnh phúc khi ở trường không? Trẻ có vấn đề gì về việc hoàn thành những phần học trên lớp hay với bài tập về nhà không?
– Bạn có lo lắng về những biểu hiện, hành vi của trẻ ở trường, ở nhà, hay những khi chúng chơi với bạn không?
Khi bạn đưa ra những câu trả lời cho những câu hỏi như thế này của Bác sĩ, bạn có thể có những đánh giá xa hơn về việc con bạn có khả năng mắc ADHD hay không.
Xin lưu ý :Nếu con bạn từ 6 tuổi trở lên mà có biểu hiện những triệu chứng ADHD một cách thường xuyên, kéo dài hơn 6 tháng, bạn nên đến gặp và tham khảo ý kiến Bác sĩ.
Có rất nhiều phương pháp phối hợp trị liệu như: các biện pháp tâm lý – giáo dục, tâm vận động, trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức – hành vi… Trong các trường hợp mà các triệu chứng rối loạn nghiêm trọng có thể dùng liệu pháp hóa trị liệu, can thiệp bằng thuốc.
P/S: Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí
214/25F Điện Biên Phủ- Bình Thạnh- Tp Hồ Chí Minh
Category: Tài liệu tham khảo
No Comments