Bao giờ có một ngôi trường cho trẻ tự kỷ?

Mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ tại cơ sở Mầm non Phước An (53/3 Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu), sau gần 1 năm thử nghiệm, đã đạt được kết quả bước đầu “trên cả sự mong đợi”. Song, đây chỉ là chương trình thử nghiệm của một bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ. Và việc có được một ngôi trường chuyên biệt để “trẻ tự kỷ được học về kỹ năng sống, biết cách tự chăm sóc mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội về sau” như mong ước của nhiều gia đình không phải là một điều đơn giản.

THÍCH ĐẾN TRƯỜNG

Chị Lê Thị Chính Lan, chủ cơ sở Mầm non Phước An đưa tôi đến thăm phòng “Can thiệp riêng” nằm ngay bên văn phòng Ban giám hiệu. Trên những tấm đệm cao su đen, trắng, một cậu bé vừa nhảy vừa đếm trong tiếng vỗ tay đều nhịp của cô Phượng. Cậu bé nhảy đến ô cuối cùng, ngẩng đầu nhìn cô chờ đợi. Cô ôm lấy em khen: “Đạt của cô hôm nay giỏi quá. Con chào các cô đi”. Cậu cười bẽn lẽn rồi chạy vào góc phòng, giấu mặt trong lòng bàn tay. Cô Phượng nháy mắt, nói nhỏ: “Vậy cũng đã khá lên nhiều rồi. Hồi mới vào lớp, hầu như Đạt không nói, không thể hiện cảm xúc gì. 4 tuổi, nhưng em rất hiếm khi nói và không có nhu cầu giao lưu. Vì vậy khả năng nghe hiểu rất yếu. Em chỉ thích lặp đi lặp lại những cử chỉ quen thuộc: vẫy vẫy tay, gật gật đầu, nhìn mông lung lên trời, mặt không biểu lộ tình cảm. Bây giờ thì đã biết quay lại khi nghe cô gọi. Hoặc chỉ cần vẫy tay là biết gọi em đến. Nói đã tròn chữ và nhiều từ hơn. Chịu học toán, xếp vần, và đặc biệt rất thích vận động”.

Ở phòng “Tâm vận động” có 2 trẻ đang chơi với cô giáo trò chơi xem ảnh, gọi tên vật trong ảnh và gắn chữ vào hình cho khớp. Ninh, một tình nguyện viên thì đang “thi làm toán nhanh” với 2 bé trai. “Con 8 tuổi, 45 ký” – cậu bé tên Hiển trả lời rành rọt khi tôi hỏi. Tôi khen đồng hồ của Hiển đẹp và hỏi mấy giờ, em liếc nhanh, rồi nói dõng dạc: “10 giờ 32 phút”. Tùng, đứng kế bên, tự ra đề toán và nhẩm rất nhanh: 19 + 25 = 44; 28 – 14 + 7 = 21.

Thầy Ninh nhận xét: “Tùng đọc tốt, làm toán nhanh nhưng chỉ thích làm theo ý mình. Em không thích chơi với bạn cùng trang lứa. Nhưng từ hồi vào đây, Tùng “chịu đèn” thầy Ninh và thích chơi với Hiển. Hai em còn “giúp nhau giải toán” để được thầy khen. Mẹ Tùng kể, ngày nào em cũng đánh thức cả nhà dậy để đưa em đến trường”.

Thực sự là nhiều bậc phụ huynh có con tự kỷ đã không nghĩ rằng có một ngày con mình lại vui vẻ đòi đến trường học như hôm nay. Hiện đã có 2 em phát triển tốt, chuyển đến học lớp 1 tại trường Tiểu học trong thành phố. Buổi chiều, gia đình 2 em này vẫn đưa con trở lại Phước An để các cô luyện phát âm và tập thể lực.

VẪN LÀ BƯỚC THỬ NGHIỆM

Chị Chính Lan cho biết, chị mất 15 năm ròng học cách chăm sóc đứa con trai đầu lòng mắc chứng tự kỷ và rất đau lòng khi thấy nhiều cháu mắc chứng tự kỷ phải “ngồi nhà ở tuổi đến trường”. Vì cho đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa có một cơ sở giáo dục công lập nào dành cho nhóm trẻ này. Từ một lớp “học nhờ” tại cơ sở Mầm non phường 7 cuối năm 2006 do nhóm các bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ tổ chức, đến giữa năm 2008, chị Lan thuê lại cơ sở này, thành lập cơ sở Mầm non Phước An dạy thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho trẻ tự kỷ.

Tiếp nhận trường, chị Lan tập trung vào việc tuyển giáo viên và đưa các cô về dự các lớp tập huấn chuyên môn tại TP. Hồ Chí Minh. Lớp học, sân trường, đồ chơi ngoài trời được sữa chữa, nâng cấp. Đồ dùng dạy học, thiết bị luyện tập hỗ trợ như máy tập chạy bộ, xe đạp, sàn nhún… được trang bị mới. Chị cũng đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, tư vấn giữa bác sĩ tâm lý Bệnh viện Nhi đồng I – TP. Hồ Chí Minh với phụ huynh có con em mắc bệnh tự kỷ ở TP. Vũng Tàu để hiểu đây là một dạng rối loạn thần kinh có thể chữa trị được và cần có các liệu pháp tâm lý phương pháp chăm sóc thích hợp.

5 6

Một ngày học của trẻ tự kỷ hoàn toàn không áp đặt. Giờ học cũng không quá khuôn mẫu. Thời lượng và nội dung học được “ra toa” cho từng em với các phiếu ghi chép cụ thể cho từng bài học. Có thể 30 phút, hoặc cũng có thể chỉ 10 – 15 phút cho 1 bài Tập nói (Ngôn ngữ – Tư duy), xếp hình, chọn hình đúng, gọi đúng tên (nhận thức, tìm hiểu môi trường xung quanh), trò chơi vận động, đi trên sào, vui chơi (thể lực, kỹ năng sống và hòa nhập), làm toán, tập viết, tô màu, tập hát (kiến thức chuẩn)… Tất cả các giờ học đều phải có hình ảnh trực quan và đồ dùng dạy học phù hợp: tranh ảnh, giấy dán, que nhựa, khối vuông, băng đĩa…

THÊM MỘT Ý TƯỞNG MỚI, NHƯNG…

Chị Lan nói: “Theo các bác sĩ tâm lý, trẻ tự kỷ dù đã có tiến triển tốt vẫn “ngố” hơn trẻ cùng trang lứa. Các em chậm trong ứng xử và không dễ thích nghi với cái mới. Có nhiều ca nặng, khả năng giao tiếp ít phát triển và gần như không có năng lực học tập, lao động. Nếu các em không được học kỹ năng sống thông thường tự chăm sóc bản thân mình, sẽ trở thành một gánh nặng cho gia đình, xã hội”.

Đó cũng là lý do để chị Lan tìm kiếm giải pháp mới cho trẻ tự kỷ: Đề án xây dựng trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ và những trẻ khuyết tật không có khả năng phục hồi năng lực, hành vi. Theo mô hình này, trường học thiết kế như một ngôi nhà ấm cúng, có phòng khách, phòng ngủ, phòng đọc sách, phòng bếp, nhà vệ sinh, khu giặt giũ, sân vườn. Giáo viên vừa dạy các em phát triển tư duy, ngôn ngữ, hành vi giao tiếp, vừa giúp các em thực hành các công việc thường ngày: vệ sinh thân thể, quét nhà, lau bàn, phơi quần áo, thu dọn phòng ngủ, nấu cơm, dọn bữa

Leave a comment